Khi bạn đã thành lập doanh nghiệp cho mình, việc chọn người đại diện pháp luật cho doanh nghiệp của bạn cũng là điều rất quan trọng. Tất cả hồ sơ, giấy tờ, thủ tục pháp lý liên quan tới doanh nghiệp đều có liên quan tới ngưới đại diện cho doanh nghiệp đó. Tại sao phải chọn người đại diện cho doanh nghiệp? Người đại diện cho doanh nghiệp là người như thế nào? vai trò của người đại diện cho doanh nghiệp ra sao? Bravolaw sẽ tư vấn và chia sẻ cho bạn những điều đó, tiêu chuẩn của người đại diện cho doanh nghiệp là người như thế nào, bạn hãy cùng chúng tôi tìm hiểu rõ hơn về điều này.
Chọn người đại diện khi thành lập doanh nghiệp
Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp:
Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là người đứng đầu doanh nghiệp, được doanh nghiệp uỷ quyền, thay mặt doanh nghiệp thực hiện các giao dịch vì lợi ích của doanh nghiệp, với đối tác, khác hàng và với cơ quan Nhà nước. Quyền, nghĩa vụ và chức danh của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp được quy định trong điều lệ doanh nghiệp, các giấy tờ giao dịch phải ghi rõ điều đó.
1. Người đại diện theo pháp luật của từng loại hình doanh nghiệp sẽ khác nhau, cụ thể:
- Đối với doanh nghiệp tư nhân: Giám đốc (Tổng giám đốc)
- Đối với công ty TNHH: Giám đốc (Tổng giám đốc) hoặc chủ tịch HĐTV (Chủ tịch công ty)
- Đối với công ty cổ phần: Giám đốc (Tổng giám đốc) hoặc chủ tịch HĐQT
- Đối với công ty hợp danh: Thành viên hợp danh. Trong đó, Giám đốc (Tổng giám đốc) hoặc chủ tịch HĐTV sẽ là người đại diện của công ty trước các cơ quan nhà nước, đại diện cho công ty với tư cách là nguyên đơn, bị đơn trong vụ kiện, tranh chấp thương mại hoặc tranh chấp khác.
2. Tiêu chuẩn của Giám đốc (Tổng giám đốc), thành viên HĐQT:
a. Đối với công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên:
- Có đủ năng lực hành vi dân sự và không thuộc đối tượng bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 13 của Luật Doanh nghiệp;
- Cổ đông là cá nhân sở hữu ít nhất 5% số cổ phần phổ thông (đối với công ty cổ phần), thành viên là cá nhân sở hữu ít nhất 10% vốn điều lệ (đối với công ty TNHH) hoặc người khác thì phải có trình độ chuyên môn hoặc kinh nghiệm thực tế trong quản trị kinh doanh hoặc trong ngành, nghề kinh doanh chính của công ty.
- Trường hợp Điều lệ công ty quy định tiêu chuẩn và điều kiện khác với tiêu chuẩn và điều kiện quy định tại điểm này thì áp dụng tiêu chuẩn và điều kiện do Điều lệ công ty quy định
- Đối với công ty con của công ty có phần vốn góp, cổ phần của Nhà nước chiếm trên 50% vốn điều lệ, ngoài các tiêu chuẩn và điều kiện quy định tại các điểm a và b khoản này, Giám đốc (Tổng giám đốc) của công ty con không được là vợ hoặc chồng, cha, cha nuôi, mẹ, mẹ nuôi, con, con nuôi hoặc anh, chị, em ruột của người quản lý công ty mẹ và người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty con đó.
b. Đối với công ty TNHH một thành viên là tổ chức:
- Có đủ năng lực hành vi dân sự và không thuộc đối tượng bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 13 của Luật Doanh nghiệp;
- Có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thực tế tương ứng trong quản trị kinh doanh hoặc trong các ngành, nghề kinh doanh chủ yếu của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác;
- Trường hợp chủ sở hữu công ty là cơ quan nhà nước hoặc doanh nghiệp có trên 50% sở hữu nhà nước, ngoài các tiêu chuẩn và điều kiện quy định tại các điểm a và b khoản này, Giám đốc (Tổng giám đốc) không được là vợ hoặc chồng, cha, cha nuôi, mẹ, mẹ nuôi, con, con nuôi hoặc anh, chị, em ruột của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhà nước và người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty đó.
c. Tiêu chuẩn của Thành viên Hội đồng quản trị công ty cổ phần:
- Có đủ năng lực hành vi dân sự, không thuộc đối tượng bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 13 của Luật Doanh nghiệp;
- Cổ đông là cá nhân sở hữu ít nhất 5% tổng số cổ phần phổ thông hoặc cổ đông sở hữu ít hơn 5% tổng số cổ phần, người không phải là cổ đông thì phải có trình độ chuyên môn hoặc kinh nghiệm trong quản lý kinh doanh hoặc trong ngành, nghề kinh doanh chính của công ty.
Trường hợp Điều lệ công ty quy định tiêu chuẩn và điều kiện khác với tiêu chuẩn và điều kiện quy định tại điểm này thì áp dụng tiêu chuẩn và điều kiện do Điều lệ công ty quy định.
Lưu ý:
- Nếu điều lệ công ty không quy định, mặc nhiên Giám đốc (Tổng giám đốc) là đại diện theo pháp luật của công ty.
- Trong công ty, Chủ tịch HĐTV, Chủ tịch HĐQT có thể kiêm chức danh Giám đốc (Tổng giám đốc)
- Nếu Điều lệ công ty không quy định khác thì Chủ tịch HĐTV, Chủ tịch công ty, Chủ tịch HĐQT và Giám đốc (Tổng giám đốc) của một công ty có thể kiêm Chủ tịch HĐTV, Chủ tịch công ty, Chủ tịch HĐQT hoặc Giám đốc (Tổng giám đốc) của công ty khác, trừ trường hợp Giám đốc (Tổng giám đốc) công ty cổ phần không được đồng thời làm Giám đốc (Tổng giám đốc) công ty khác theo khoản 2 Điều 116 của Luật Doanh nghiệp.
- Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải cư trú ở Việt Nam; trường hợp vắng mặt ở Việt Nam trên 30 ngày thì phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác để thực hiện quyền và nhiệm vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.