Tại sao phải thành lập công ty? Muốn thành lập công ty cần phải chuẩn bị những giấy tờ gì? Có lẽ đây là thắc mắc của không ít nhà đầu tư khi tiến hành hoạt động kinh doanh. Hôm nay, Luật Bravolaw xin chia sẻ những những điều cần lưu ý khi thành lập công ty trong bài viết dưới đây.
Căn cứ theo quy định Luật doanh nghiệp 2020 và Nghị định và các văn bản hướng dẫn Luật Doanh nghiệp. Nội dung tư vấn về các lưu ý cần biết khi thực hiện đăng ký kinh doanh thành lập công ty, như sau:
Những điều cần lưu ý khi thành lập công ty
Thứ nhất, lựa chọn loại hình công ty:
Theo quy định của Luật doanh nghiệp 2020 thì có các loại hình công ty như sau: Doanh nghiệp tư nhân, Công ty hợp danh, Công ty TNHH 1 thành viên, Công ty TNHH 2 thành viên, Công ty cổ phần. Mỗi loại hình doanh nghiệp đều có những đặc điểm pháp lý khác nhau nên tùy thuộc vào mục đích và điều kiện của từng nhà đầu tư mà lựa chọn loại hình doanh nghiệp cho phù hợp.
- Đối với doanh nghiệp tư nhân thì sẽ do 1 cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.
- Đối với công ty hợp danh phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung, các thành viên hợp danh tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn. Thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.
- Đối với công ty TNHH 1 thành viên do 1 cá nhân hoặc 1 tổ chức làm chủ sở hữu và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.
- Đối với công ty TNHH 2 thành viên có ít nhất từ 2 đến 50 thành viên tham gia góp vốn vào công ty và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty. Thành viên công ty có thể là cá nhân hoặc tổ chức theo quy định của pháp luật.
- Đối với công ty cổ phần phải có ít nhất từ 3 cổ đông trở lên và không giới hạn số lượng tối đa thành viên tham gia. Các cổ đông công ty có thể là cá nhân hoặc tổ chức theo quy định của pháp luật và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.
Theo xu hướng kinh doanh hiện nay thì loại hình công ty được lựa chọn nhiều nhất là Công ty TNHH 1 thành viên, Công ty TNHH 2 thành viên, Công ty cổ phần bởi tính ưu việt của nó so với những loại hình công ty còn lại.
Thứ hai, cách đặt tên công ty:
Sau khi lựa chọn được loại hình doanh nghiệp phù hợp thì nhà đầu tư có thể lựa chọn được tên công ty. Vì theo quy định tại Điều 37 Luật doanh nghiệp 2020 thì tên doanh nghiệp bao gồm 2 thành tố là “Loại hình doanh nghiệp” và “Tên riêng”. Loại hình doanh nghiệp thì có thể là công ty TNHH hoặc Công ty cổ phần, còn tên riêng của doanh nghiệp là tên được viết theo bảng chữ cái của Tiếng Việt, bao gồm cả chữ số và ký hiệu. Khi đặt tên doanh nghiệp các bạn cần lưu ý về các trường hợp bị cấm khi đặt tên doanh nghiệp và những trường hợp đặt tên trùng, tên gây nhầm lẫn với những doanh nghiệp khác được quy định tại Điều 38, Điều 41 Luật doanh nghiệp 2020.
Thứ ba, lựa chọn địa điểm trụ sở công ty:
Trụ sở chính của doanh nghiệp đặt trên lãnh thổ Việt Nam, là địa chỉ liên lạc của doanh nghiệp và được xác định theo địa giới đơn vị hành chính; có số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có) (Điều 42 Luật doanh nghiệp 2020).
Khi đặt trụ sở công ty, nhà đầu tư nên lựa chọn những địa chỉ rõ ràng và lưu ý không chọn đặt trụ sở công ty tại các chung cư hoặc tập thể.
Thứ tư, lựa chọn ngành nghề kinh doanh:
Ngành nghề kinh doanh là những lĩnh vực mà doanh nghiệp muốn hoạt động và phải đăng ký với cơ quan Nhà nước quản lý. Doanh nghiệp được kinh doanh tất cả các ngành nghề mà pháp luật không cầm, tuy nhiên tùy từng lĩnh vực hoạt động mà doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện trước khi đăng ký và/hoặc sau khi đăng ký kinh doanh, ví dụ như: kinh doanh ngành nghề yêu cầu vốn pháp định thì doanh nghiệp phải chứng minh số vốn pháp định trước khi đăng ký kinh doanh.
Thứ năm, lựa chọn mức vốn điều lệ phù hợp:
Vốn điều lệ của doanh nghiệp được hiểu là số vốn do các thành viên, cổ đông góp hoặc cam kết góp trong một thời hạn nhất định và được ghi vào Điều lệ công ty. Luật không quy định mức vốn điều lệ cho từng loại hình công ty nên tùy thuộc vào nhu cầu, mục đích hay ngành nghề kinh doanh mà doanh nghiệp lựa chọn cho mình một mức vốn phù hợp. Tuy nhiên các doanh nghiệp cần lưu ý một số quy định về thời hạn góp vốn của các cổ đông/thành viên và quy định về tăng, giảm vốn điều lệ cho mỗi loại hình công ty để thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.
Thứ sáu, lựa chọn Người đại diện theo pháp luật của công ty:
Người đại diện theo pháp luật (Giám đốc/ Tổng giám đốc/ Chủ tịch…) là người chịu trách nhiệm chính trong mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, là người đại diện cho doanh nghiệp làm việc, ký kết giấy tờ, thủ tục với cơ quan nhà nước, với các cá nhân hoặc tổ chức khác. Luật doanh nghiệp quy định “Công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.”
Trên đây là những vấn đề doanh nghiệp cần phải lưu ý trước khi thành lập công ty, nếu bạn đang có nhu cầu thành lập công ty mà vẫn còn đang băn khoăn về những vấn đề pháp lý liên quan đến thủ tục này, hoặc bạn cần tư vấn thành lập doanh nghiệp tại Hà Nội, vui lòng liên hệ Hotline: 1900 6296 với Luật Bravolaw để được tư vấn, hỗ trợ.