Xuất phát từ nhu cầu của khách hàng mà hiện nay trên thị trường tài chính – tín dụng đang trên đà phát triển. Do đó, có nhiều công ty tài chính được thành lập và phát triển khá sôi động. Để giúp các bạn nắm bắt kịp thời quy định pháp luật; bài viết dưới đây, Luật Bravolaw sẽ chia sẻ cho các bạn về quy trình thành lập công ty tài chính một cách cụ thể.
Cơ sở pháp lý:
- Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2017
- Nghị định số 39/2014/NĐ – CP
- Nghị định số 86/2019/NĐ-CP
- Thông tư số 51/2018/TT-NHNN
Khái quát quy định về công ty tài chính
Theo khoản 4 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng thì: Tổ chức tín dụng phi ngân hàng là loại hình tổ chức tín dụng được thực hiện một; hoặc một số hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật này; trừ các hoạt động nhận tiền gửi của cá nhân và cung ứng các dịch vụ thanh toán qua tài khoản của khách hàng. Tổ chức tín dụng phi ngân hàng bao gồm công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng khác. Như vậy, công ty tài chính là một hình thức tổ chức tín dụng phi ngân hàng.
Các hoạt động ngân hàng công ty tài chính được thực hiện
Theo Điều 108 Luật Các tổ chức tín dụng các hoạt động ngân hàng mà công ty tài chính được thực hiện bao gồm:
” a) Nhận tiền gửi của tổ chức;
b) Phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu để huy động vốn của tổ chức;
c) Vay vốn của tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật; vay Ngân hàng Nhà nước dưới hình thức tái cấp vốn theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
d) Cho vay, bao gồm cả cho vay trả góp, cho vay tiêu dùng;
đ) Bảo lãnh ngân hàng;
e) Chiết khấu, tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng, các giấy tờ có giá khác;
g) Phát hành thẻ tín dụng, bao thanh toán, cho thuê tài chính và các hình thức cấp tín dụng khác sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.”
Ngoài ra, công ty tài chính có thể thực hiện góp vốn, mua cổ phần và thực hiện các hoạt động kinh doanh khác theo quy định pháp luật
+ Tiếp nhận vốn ủy thác của Chính phủ, tổ chức, cá nhân để thực hiện các hoạt động đầu tư vào các dự án sản xuất, kinh doanh, cấp tín dụng được phép; ủy thác vốn cho TCTD thực hiện cấp tín dụng. Việc tiếp nhận vốn ủy thác của cá nhân và ủy thác vốn cho các TCTD cấp tín dụng thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
+ Tham gia thị trường tiền tệ
+ Mua, bán trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp.
+ Bảo lãnh phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp; đại lý phát hành trái phiếu, cổ phiếu và các loại giấy tờ có giá khác.
+ Kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
+ Làm đại lý kinh doanh bảo hiểm.
+ Cung ứng dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, đầu tư.
+ Cung ứng dịch vụ quản lý, bảo quản tài sản của khách hàng.
Điều kiện thành lập công ty tài chính theo quy định của pháp luật
Với tư cách là TCTD, công ty tài chính phải đáp ứng các điều kiện chung theo Điều 20 Luật các TCTD, cụ thể như sau:
1. Tổ chức tín dụng được cấp Giấy phép khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có vốn điều lệ, vốn được cấp tối thiểu bằng mức vốn pháp định;
b) Chủ sở hữu của TCTD là công ty TNHH một thành viên, cổ đông sáng lập, thành viên sáng lập là pháp nhân đang hoạt động hợp pháp; và có đủ năng lực tài chính để tham gia góp vốn; cổ đông sáng lập hoặc thành viên sáng lập là cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; và có đủ khả năng tài chính để góp vốn.
Điều kiện đối với chủ sở hữu của TCTD là công ty TNHH một thành viên; cổ đông sáng lập, thành viên sáng lập do Ngân hàng Nhà nước quy định;
c) Người quản lý, người điều hành, thành viên Ban kiểm soát có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại Điều 50 của Luật này;
d) Có Điều lệ phù hợp với quy định của Luật này; và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
đ) Có Đề án thành lập, phương án kinh doanh khả thi; không gây ảnh hưởng đến sự an toàn, ổn định của hệ thống TCTD; không tạo ra sự độc quyền hoặc hạn chế cạnh tranh; hoặc cạnh tranh không lành mạnh trong hệ thống TCTD.
2. Tổ chức tín dụng liên doanh, tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài; được cấp Giấy phép khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này;
b) TCTD nước ngoài được phép thực hiện hoạt động ngân hàng; theo quy định của pháp luật của nước nơi TCTD nước ngoài đặt trụ sở chính;
c) Hoạt động dự kiến xin phép thực hiện tại Việt Nam phải là hoạt động mà TCTD nước ngoài đang được phép thực hiện tại nước nơi TCTD nước ngoài đặt trụ sở chính;
d) TCTD nước ngoài phải có hoạt động lành mạnh, đáp ứng các điều kiện về tổng tài sản có, tình hình tài chính, các tỷ lệ bảo đảm an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước;
đ) TCTD nước ngoài phải có văn bản cam kết hỗ trợ về tài chính, công nghệ, quản trị, điều hành, hoạt động cho TCTD liên doanh, tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài; bảo đảm các tổ chức này duy trì giá trị thực của vốn điều lệ không thấp hơn mức vốn pháp định; và thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn của Luật này;
e) Cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài đã ký kết thỏa thuận với Ngân hàng Nhà nước về thanh tra, giám sát hoạt động ngân hàng; trao đổi thông tin giám sát an toàn ngân hàng; và có văn bản cam kết giám sát hợp nhất theo thông lệ quốc tế đối với hoạt động của TCTD nước ngoài.”.
Về vốn tối thiểu
Theo Nghị định số 86/2019/NĐ-CP quy định mức vốn pháp định của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; vốn pháp định với công ty tài chính là 500 tỷ đồng.
Ngoài ra, tùy vào loại hình công ty tài chính có những điều kiện riêng cần đáp ứng.
Các loại hình công ty tài chính
Khi tiến hành thủ tục thành lập công ty tài chính; khách hàng tham khảo các loại hình công ty tài chính:
– Công ty Tài chính nhà nước: Là Công ty Tài chính do nhà nước đầu tư vốn, thành lập và tổ chức quản lý hoạt động kinh doanh.
– Công ty Tài chính cổ phần: Là Công ty Tài chính do tổ chức và cá nhân cùng góp vốn, thành lập và tổ chức quản lý hoạt động kinh doanh
– Công ty Tài chính trực thuộc tổ chức tín dụng: Là Công ty Tài chính do một TCTD thành lập bằng vốn tự có của mình; và làm chủ sở hữu theo quy định của pháp luật; hạch toán độc lập và có tư cách pháp nhân
– Công ty Tài chính liên doanh: Là Công ty Tài chính được thành lập; bằng cách góp vốn giữa bên Việt Nam và bên nước ngoài, trên cở sở hợp đồng liên doanh.
– Công ty Tài chính 100% vốn nước ngoài: Là Công ty Tài chính được thành lập bằng vốn của một hoặc của nhiều TCTD nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Trình tự, thủ tục thành lập công ty tài chính
Bước 1: Chuẩn bị các điều kiện theo luật quy định; lựa chọn loại hình hoạt động của công ty tài chính.
Bước 2: Hoàn thiện hồ sơ và nộp hồ sơ thành lập công ty
Để thành lập công ty bạn phải soạn 01 bộ hồ sơ gồm các giấy tờ sau:
– Giấy đề nghị đăng ký thành lập doanh nghiệp.
– Điều lệ công ty
– Danh sách thành viên/cổ đông công ty (phụ thuộc vào loại hình công ty lựa chọn)
– Bản sao hợp lệ chứng minh nhân dân/ hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật, chủ sở hữu công ty, các thành viên trong công ty
– Văn bản ủy quyền cho người được ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp
– Bản sao chứng minh nhân dân của người được ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp
Sau khi soạn xong hồ sơ các bạn tiến hành nộp hồ sơ và nhận kết quả giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Đặt con dấu pháp nhân công ty và công bố mẫu dấu của doanh nghiệp.
Bước 3: Xin cấp Giấy phép đối với Công ty tài chính
– Đơn xin cấp Giấy phép;
– Dự thảo Điều lệ phù hợp với quy định của Luật các TCTD năm 2010 và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
– Đề án thành lập, phương án kinh doanh khả thi: nêu rõ nội dung, phương thức hoạt động; địa bàn hoạt động, lợi ích đối với nền kinh tế; trong đó, xác định kế hoạch hoạt động cụ thể 3 năm đầu;
– Danh sách, lý lịch, các văn bằng, chứng chỉ về chuyên môn của thành viên sáng lập; thành viên Hội đồng quản trị; thành viên Ban kiểm soát và Tổng giám đốc (Giám đốc) Công ty tài chính;
– Phương án góp vốn điều lệ, danh sách và cam kết về mức góp vốn điều lệ của các bên góp vốn; (theo quy định công ty tài chính yêu cầu có vốn điều lệ tối thiểu bằng mức vốn pháp định là 500 tỷ đồng; và Vốn điều lệ của Công ty tài chính được góp bằng đồng Việt Nam; hoặc ngoại tệ tự do chuyển đổi nhưng phải quy đổi ra đồng Việt Nam; theo tỷ lệ giá giao dịch bình quân trên thị trường liên ngân hàng tại thời điểm góp vốn)
– Tình hình tài chính và các thông tin có liên quan về các cổ đông lớn. Đối với các cổ đông lớn là doanh nghiệp, các tài liệu phải nộp gồm:
+ Quyết định thành lập;
+ Điều lệ hiện hành ;
+ Giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về số vốn điều lệ và số vốn thực có năm hiện hành;
+ Văn bản cử người đại diện pháp nhân của Doanh nghiệp;
+ Bảng cân đối tài chính, bảng kết quả lãi, lỗ đã được kiểm toán; và báo cáo tình hình hoạt động 3 năm gần nhất.
Doanh nghiệp nộp hồ sơ tại: Ngân hàng nhà nước (cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng)
Trên đây là nội dung chia sẻ mà bài viết của Luật Bravolaw chia sẻ về “Thành lập công ty tài chính như thế nào?”. Hy vọng bài viết có ích cho độc giả. Trong qua trình thực hiện bạn có nhu cầu tư vấn và giải đáp thắc mắc vui lòng liên hệ theo Hotline: 1900 6296 để nhận được tư vấn nhé.