Trong môi trường kinh doanh, quảng cáo là một khía cạnh không thể thiếu đóng góp vào sự thành công của nhiều sản phẩm, thương hiệu. Hiểu được tầm quan trọng của quảng cáo, nhiều nhà đầu tư muốn thành lập công ty trong lĩnh vực này. Vậy thủ tục thành lập công ty quảng cáo mới nhất được thực hiện như thế nào? Hãy cùng Luật Bravolaw tìm hiểu thông qua bài viết sau đây!
Căn cứ pháp lý
- Luật Doanh nghiệp
- Nghị định 01/2021/NĐ-CP
- Luật quảng cáo và các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành.
Quảng cáo là gì?
Khoản 1 điều 2 Luật Quảng cáo định nghĩa “Quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi; sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi; tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được giới thiệu, trừ tin thời sự; chính sách xã hội; thông tin cá nhân.”
Nếu định nghĩa theo góc độ pháp luật ở trên có hơi khó hiểu, thì có thể tham khảo một cách tiếp cận về quảng cáo theo ngôn ngữ đời thường hơn như sau: Quảng cáo là hình thức tuyên truyền được trả phí hoặc không để thực hiện việc giới thiệu thông tin về sản phẩm, dịch vụ, công ty hay ý tưởng nhằm thuyết phục hay tác động đến người nhận thông tin.
Quảng cáo là ngành được quy định trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam tại Quyết định 27/2018/QĐ-TTg. Mã ngành quảng cáo bao gồm:
- Quảng cáo và nghiên cứu thị trường: 73
- Quảng cáo: 731, 7310, 73100
- Nghiên cứu thị trường và thăm dò dư luận : 732, 7320, 73200
Thủ tục thành lập công ty quảng cáo
Thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp quảng cáo
Thủ tục thành lập doanh nghiệp quảng cáo trước tiên phải tuân theo quy định pháp luật về thành lập doanh nghiệp nói chung, bên cạnh đó tùy từng trường hợp cần phải tuân theo các quy định pháp luật chuyên ngành của Luật Quảng cáo.
Thủ tục đăng kí thành lập doanh nghiệp
Bước 1: Chuẩn bị bộ hồ sơ thành lập doanh nghiệp hợp lệ
Tùy vào loại hình doanh nghiệp định thành lập, nhà đầu tư chuẩn bị bộ hồ sơ tương ứng theo quy định tại điều 19 – 22 Luật Doanh nghiệp 2020. Về cơ bản thì bộ hồ sơ thường bao gồm các tài liệu sau:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
- Điều lệ công ty
- Danh sách thành viên/cổ đông công ty
- Bản sao hợp lệ chứng minh nhân dân/hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật, chủ sở hữu công ty, các thành viên trong công ty
- Văn bản ủy quyền cho người được ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp
- Bản sao chứng minh nhân dân của người được ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp.
Bước 2: Nộp hồ sơ đăng kí thành lập doanh nghiệp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền (Phòng đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính)
Nhà đầu tư có thể tự mình hoặc ủy quyền cho người đại diện nộp hồ sơ đăng kí thành lập doanh nghiệp qua các phương thức sau đây:
- Đăng ký doanh nghiệp trực tiếp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh;
- Đăng ký doanh nghiệp qua dịch vụ bưu chính;
- Đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.
Bước 3: Nhận kết quả giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp:
- Trường hợp hồ sơ hợp lệ, đáp ứng đủ các điều kiện, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp “Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp“
- Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho người thành lập doanh nghiệp.
- Trường hợp từ chối đăng ký doanh nghiệp thì phải thông báo bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp và nêu rõ lý do.
Thủ tục bổ sung khi kinh doanh trong ngành quảng cáo
Ngành quảng cáo nói chung không thuộc Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện ban hành kèm theo Luật Đầu tư 2020. Tuy nhiên khi thực hiện hoạt động quảng cáo vẫn phải đáp ứng các điều kiện nhất định theo Luật Quảng cáo, bên cạnh đó tùy vào đối tượng của hoạt động quảng cáo, doanh nghiệp còn phải thực hiện các thủ tục tương ứng với cơ quản nhà nước có thẩm quyền. Sau đây là một số quy định cụ thể:
Điều kiện quảng cáo
– Quảng cáo về hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
– Quảng cáo cho các loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải có các tài liệu chứng minh về sự hợp chuẩn, hợp quy của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật.
– Quảng cáo tài sản mà pháp luật quy định tài sản đó phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng thì phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản.
– Quảng cáo cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt phải đảm bảo các điều kiện sau đây:
- Quảng cáo thuốc được phép quảng cáo theo quy định của pháp luật về y tế; phải có giấy phép lưu hành tại Việt Nam đang còn hiệu lực và tờ hướng dẫn sử dụng do Bộ Y tế phê duyệt;
- Quảng cáo mỹ phẩm phải có phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm theo quy định của pháp luật về y tế;
- Quảng cáo hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế phải có giấy chứng nhận đăng ký lưu hành do Bộ Y tế cấp;
- Quảng cáo sữa và sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ không thuộc quy định tại khoản 4 Điều 7 của Luật này phải có giấy chứng nhận tiêu chuẩn, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm dinh dưỡng sản xuất trong nước; đối với sản phẩm dinh dưỡng nhập khẩu thì phải có giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm của cơ quan có thẩm quyền của nước sản xuất và giấy phép lưu hành;
- Quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm phải có giấy chứng nhận đăng ký chất lượng vệ sinh an toàn đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm thuộc danh mục phải đăng ký chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm hoặc giấy tiếp nhận hồ sơ công bố tiêu chuẩn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm thuộc danh mục phải công bố tiêu chuẩn;
- Quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phải có giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn hành nghề do ngành y tế cấp theo quy định của pháp luật;
- Quảng cáo trang thiết bị y tế phải có giấy phép lưu hành đối với thiết bị y tế sản xuất trong nước hoặc giấy phép nhập khẩu đối với thiết bị y tế nhập khẩu;
- Quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật, nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật, vật tư bảo vệ thực vật phải có giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật.
- Quảng cáo sinh vật có ích dùng trong bảo vệ thực vật phải có giấy phép kiểm dịch thực vật do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp;
- Quảng cáo thuốc thú y, vật tư thú y phải có giấy phép lưu hành sản phẩm và bản tóm tắt đặc tính của sản phẩm;
- Quảng cáo phân bón, chế phẩm sinh học phục vụ trồng trọt, thức ăn chăn nuôi, chế phẩm sinh học phục vụ chăn nuôi phải có giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm hoặc văn bản tự công bố chất lượng sản phẩm.
– Ngoài ra cũng cần chú ý điều kiện quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt khác khi có phát sinh trên thực tế do Chính phủ ban hành.
– Nếu quảng cáo mẫu vật các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục CITES, cần đáp ứng điều kiện tại điều 29 Nghị định 06/2019/NĐ-CP.
Thủ tục đề nghị cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo thuốc
– Doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo thuốc bao gồm:
- Văn bản đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp hoặc giấy phép thành lập văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài;
- Nội dung đề nghị xác nhận quảng cáo:
- Mẫu nhãn sản phẩm hoặc mẫu nhãn sản phẩm đã được cơ quan y tế có thẩm quyền chấp thuận trong trường hợp pháp luật quy định nhãn sản phẩm phải được cơ quan y tế có thẩm quyền duyệt.
- Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc đã được Cục Quản lý dược – Bộ Y tế phê duyệt.
- Giấy phép lưu hành sản phẩm do Cục Quản lý dược cấp hoặc quyết định cấp số đăng ký thuốc tại Cục Quản lý dược.
– Doanh nghiệp quảng cáo nộp hồ sơ tại Cục Quản lý dược
– Doanh nghiệp chờ nhận kết quả:
- Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ theo dấu tiếp nhận công văn đến của cơ quan tiếp nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có văn bản đề nghị đơn vị sửa đổi, bổ sung. Thời gian để đơn vị đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo sửa đổi, bổ sung hoàn chỉnh hồ sơ theo yêu cầu tối đa là 90 ngày kể từ ngày nhận được văn bản thông báo sửa đổi, bổ sung của cơ quan tiếp nhận hồ sơ. Quá thời hạn này thì hồ sơ đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo hết giá trị.
- Trong thời gian 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo dấu tiếp nhận công văn đến của cơ quan tiếp nhận hồ sơ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo.
- Trường hợp không cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do không cấp.
- Cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm công bố trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan mình danh mục sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền phụ trách đã được cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo hoặc có giấy xác nhận nội dung quảng cáo hết hiệu lực.
Thủ tục đề nghị cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo mỹ phẩm
– Doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo mỹ phẩm bao gồm:
- Văn bản đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp hoặc giấy phép thành lập văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài;
- Nội dung đề nghị xác nhận quảng cáo:
- Mẫu nhãn sản phẩm hoặc mẫu nhãn sản phẩm đã được cơ quan y tế có thẩm quyền chấp thuận trong trường hợp pháp luật quy định nhãn sản phẩm phải được cơ quan y tế có thẩm quyền duyệt.
- Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
- Tài liệu hợp lệ, tin cậy chứng minh cho tính năng, công dụng của sản phẩm trong trường hợp nội dung quảng cáo mỹ phẩm nêu tính năng, công dụng của sản phẩm không có trong nội dung của Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đã được cơ quan có thẩm quyền cấp số tiếp nhận.
– Doanh nghiệp quảng cáo nộp hồ sơ tại Sở Y tế tỉnh, thành phố trực nơi Mỹ phẩm của cơ sở đứng tên trên phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm có trụ sở chính đặt tại địa bàn quản lý của Sở Y tế; Trường hợp quảng cáo mỹ phẩm thông qua hội nghị, hội thảo, tổ chức sự kiện thì Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi dự kiến tổ chức hội nghị, hội thảo, sự kiện cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo
– Doanh nghiệp chờ nhận kết quả:
- Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ theo dấu tiếp nhận công văn đến của cơ quan tiếp nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có văn bản đề nghị đơn vị sửa đổi, bổ sung. Thời gian để đơn vị đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo sửa đổi, bổ sung hoàn chỉnh hồ sơ theo yêu cầu tối đa là 90 ngày kể từ ngày nhận được văn bản thông báo sửa đổi, bổ sung của cơ quan tiếp nhận hồ sơ. Quá thời hạn này thì hồ sơ đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo hết giá trị.
- Trong thời gian 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo dấu tiếp nhận công văn đến của cơ quan tiếp nhận hồ sơ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo.
- Trường hợp không cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do không cấp.
- Cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm công bố trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan mình danh mục sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền phụ trách đã được cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo hoặc có giấy xác nhận nội dung quảng cáo hết hiệu lực.
Hoạt động quảng cáo là hoạt động rất đa dạng, tùy vào từng trường hợp cụ thể mà cách thức tiến hành, phương tiện thực hiện, địa điểm, đối tượng của hoạt động quảng cáo cũng khác nhau. Từ đó phải căn cứ vào các luật chuyên ngành điều chỉnh, sẽ phát sinh các thủ tục, điều kiện riêng. Trên đây chỉ là một số quy định chung cơ bản, đặc thù. Để đảm bảo việc thành lập doanh nghiệp quảng cáo cũng như quá trình thực hiện hoạt động kinh doanh đảm bảo đúng quy định pháp luật, tránh phạm những lỗi bị xử phạt không đáng có, quý khách hàng có thể lựa chọn dịch vụ của Luật Bravolaw để có được những tư vấn riêng, cụ thể, chính xác cho tình huống pháp lý của doanh nghiệp mình.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của chúng tôi. Nếu quý khách có nhu cầu tư vấn và sử dụng dịch vụ thành lập công ty trọn gói của chúng tôi, vui lòng liên hệ với Luật Bravolaw theo số điện thoại: 1900 6296 để nhận được tư vấn và sư dụng dịch vụ của chúng tôi.