Thuế thu nhập doanh nghiệp (Thuế TNDN) được điều chỉnh trong Luật thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 ngày 03 tháng 06 năm 2008 của Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 3.
Thuế thu nhập doanh nghiệp (Thuế TNDN) là sắc thuế tính trên thu nhập chịu thuế của các doanh nghiệp trong kỳ tính thuế.
Thuế thu nhập doanh nghiệp có đặc điểm như sau:
– Thuế TNDN là thuế trực thu, đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là các doanh nghiệp, các nhà đầu tư thuộc các thành phần kinh tế khác nhau đồng thời cũng là người chịu thuế.
– Thuế TNDN phụ thuộc vào kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp hoặc các nhà đầu tư. Thuế tndn được xác định trên cơ sở thu nhập chịu thuế, nên chỉ khi các doanh nghiệp, các nhà đầu tư kinh doanh có lợi nhuận mới phải nộp thuế TNDN.
Người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (Thuế TNDN) là:
1. Tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ có thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm:
– Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam;
– Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật nước ngoài (sau đây gọi là doanh nghiệp nước ngoài) có cơ sở thường trú hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam;
– Tổ chức được thành lập theo Luật hợp tác xã;
– Đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam;
– Tổ chức khác có hoạt động sản xuất, kinh doanh có thu nhập.
2. Doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế doanh nghiệp phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (Thuế TNDN) như sau:
– Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam nộp thuế doanh nghiệp đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam và thu nhập chịu thuế phát sinh ngoài Việt Nam;
– Doanh nghiệp nước ngoài có cơ sở thường trú tại Việt Nam nộp thuế thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam và thu nhập chịu thuế phát sinh ngoài Việt Nam liên quan đến hoạt động của cơ sở thường trú đó;
– Doanh nghiệp nước ngoài có cơ sở thường trú tại Việt Nam nộp thuế doanh nghiệp đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam mà khoản thu nhập này không liên quan đến hoạt động của cơ sở thường trú;
– Doanh nghiệp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam.
3. Cơ sở thường trú của doanh nghiệp nước ngoài là cơ sở sản xuất, kinh doanh mà thông qua cơ sở này, doanh nghiệp nước ngoài tiến hành một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam mang lại thu nhập, bao gồm:
– Chi nhánh, văn phòng điều hành, nhà máy, công xưởng, phương tiện vận tải, hầm mỏ, mỏ dầu, khí hoặc địa điểm khai thác tài nguyên thiên nhiên khác tại Việt Nam;
– Địa điểm xây dựng, công trình xây dựng, lắp đặt, lắp ráp;
– Cơ sở cung cấp dịch vụ, bao gồm cả dịch vụ tư vấn thông qua người làm công hay một tổ chức, cá nhân khác;
– Đại lý cho doanh nghiệp nước ngoài;
– Đại diện tại Việt Nam trong trường hợp là đại diện có thẩm quyền ký kết hợp đồng đứng tên doanh nghiệp nước ngoài hoặc đại diện không có thẩm quyền ký kết hợp đồng đứng tên doanh nghiệp nước ngoài nhưng thường xuyên thực hiện việc giao hàng hoá hoặc cung ứng dịch vụ tại Việt Nam.
Thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (Thuế TNDN) :
– Thu nhập chịu thuế bao gồm thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ và thu nhập khác.
– Thu nhập khác bao gồm thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng bất động sản; thu nhập từ quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản; thu nhập từ chuyển nhượng, cho thuê, thanh lý tài sản; thu nhập từ lãi tiền gửi, cho vay vốn, bán ngoại tệ; hoàn nhập các khoản dự phòng; thu khoản nợ khó đòi đã xoá nay đòi được; thu khoản nợ phải trả không xác định được chủ; khoản thu nhập từ kinh doanh của những năm trước bị bỏ sót và các khoản thu nhập khác, kể cả thu nhập nhận được từ hoạt động sản xuất, kinh doanh ở ngoài Việt Nam.