Hiện nay, Việt Nam đang hội nhập với nền kinh tế quốc tế nên việc các chủ thể nắm bắt cơ hội và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh thu lợi nhuận là điều tất yếu. Điều đó được chứng minh qua việc số lượng các doanh nghiệp đăng ký hoạt động mới và hoạt động trở lại tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần căn cứ và nhu cầu, khả năng của mình để lựa chọn loại hình đăng ký doanh nghiệp cho phù hợp, tránh rủi ro có thể xảy ra. Cụ thể:
Doanh nghiệp tư nhân:
Ưu điểm: chủ sở hữu có toàn quyền quyết định đối với mức vốn đầu tư vào doanh nghiệp, có quyền quyết định đối với cơ cấu tổ chức của công ty, có quyền hưởng toàn bộ lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh;
Nhược điểm: không có tư cách pháp nhân; chủ sở hữu chỉ có thể là cá nhân và chịu trách nhiệm vô hạn; mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân; chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên công ty hợp danh; Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần;
Công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên:
Ưu điểm: Công ty trách nhiệm hữu hạn có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; công ty có chế độ trách nhiệm hữu hạn; chủ sở hữu công ty có thể là cá nhân, tổ chức; có cơ cấu tổ chức quản lý công ty tinh gọn, hiệu quả, chủ sở hữu có quyền quyết định cao nhất.
Hạn chế: Công ty trách nhiệm hữu hạn không được huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu.
Như vậy, trong trường hợp có một chủ thể bỏ vốn ra thành lập doanh nghiệp thì nên lựa chọn loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên để tránh rủi ro có thể xảy ra, đảm bảo khối tài sản riêng của chủ doanh nghiệp.
Trường hợp có 2 chủ thể tham gia thành lập doanh nghiệp
Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên:
Công ty trách nhiệm hữu hạn có tư cách pháp nhân; cách thành viên trong công ty chịu trách nhiệm hữu hạn; cơ cấu tổ chức khá chặt chẽ. Tuy nhiên, công ty bị hạn chế số lượng tối đa là 50 thành viên và không được phát hành cổ phiếu, trái phiếu để huy động vốn;
Công ty hợp danh:
Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân và không được phát hành chứng khoán. Khi thành lập phải có ít nhất hai thành viên hợp danh. Công ty có hai chế độ trách nhiệm: trách nhiệm hữu hạn (đối với thành viên góp vốn) và trách nhiệm vô hạn (với thành viên hợp danh). Một điểm nữa là thành viên hợp danh chỉ có thể là cá nhân. Thành viên góp vốn không có quyền quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh của công ty.
Trong hai loại hình doanh nghiệp này thì nên lựa chọn công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên vì chế độ trách nhiệm hữu hạn và sự minh bạch giữa tài sản góp vốn của thành viên và tài sản công ty.
Trường hợp có trên 2 người góp vốn:
Có thể lựa chọn công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên hoặc công ty cổ phần.
Công ty cổ phần có trách nhiệm hữu hạn, cổ đông chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp; có quyền phát hành cổ phần để huy động vốn, giúp công ty huy động được nguồn vốn lớn từ nhiều chủ thể và trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, công ty cổ phần có bộ máy quản lý điều hành rất phức tạp, cồng kềnh. Có hạn chế số lượng thành viên tối thiểu và tối đa.
Vì vậy, căn cứ vào mức vốn góp, vào lĩnh vực hoạt động và chủ thể thành lập công ty, doanh nghiệp lựa chọn một trong hai mô hình cho phù hợp.