Vốn điều lệ là một nội dung quan trọng cần được thể hiện trong Điều lệ của Công ty, đặc biệt là với Công ty trách nhiệm hữu hạn và Công ty cổ phần. Việc ghi nhận vốn điều lệ tại thời điểm thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần ảnh hưởng đến trách nhiệm của thành viên và cổ đông công ty.
Vậy bạn đã hiểu chính xác vốn điều lệ là gì chưa? Hay bạn có biết cách xác định vốn điều lệ phù hợp để công ty có thể phát triển tốt không? Cùng Luật Bravolaw tìm hiểu nhé!
1. Vốn điều lệ là gì?
Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh. Nó là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán hoặc đã được đăng ký mua khi thành lập doanh nghiệp đối với công ty cổ phần.
Vốn điều lệ có thể tồn tại dưới nhiều hình thức như: tiền mặt Việt Nam, ngoại tệ, đất đai, nhà xưởng, máy móc. Cũng có thể là công thức pha chế, bí quyết kỹ thuật hay các giá trị sở hữu trí tuệ… Chung quy là tất cả tài sản được ghi theo điều lệ ban đầu của công ty.Như vậy, về cơ bản, có thể hiểu đơn giản vốn điều lệ là mức vốn mà các thành viên, cổ đông công ty góp hoặc cam kết góp tại thời điểm thành lập doanh nghiệp và được thể hiện trên điều lệ của công ty cũng như Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được cấp cho công ty.
2. Hướng dẫn chọn số vốn điều lệ hợp lý
Việc lựa chọn mức vốn điều lệ của doanh nghiệp phụ thuộc chủ yếu vào yếu tố quy mô sản xuất, đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp và năng lực tài chính của các cổ đông, thành viên trong công ty.
Về cơ bản, pháp luật Việt Nam không có quy định hạn chế mức vốn tối đa doanh nghiệp được phép đăng ký hay mức vốn tối thiểu mà doanh nghiệp cần đáp ứng. Tất nhiên là có trừ một số trường hợp đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện về vốn pháp định.
Theo đó, đối với một số ngành nghề như kinh doanh bất động sản, kinh doanh bảo hiểm, chứng khoán, hoạt động của các tổ chức tín dụng…, pháp luật bắt buộc doanh nghiệp phải đáp ứng đủ một mức vốn tối thiểu (vốn pháp định) để được cấp phép thành lập và hoạt động. Trong trường hợp này, để tiến hành hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp bắt buộc phải huy động đủ số vốn pháp định và ghi nhận qua vốn điều lệ của công ty.
Tuy không có một chế tài nào quy định cụ thể về Vốn Điều Lệ, nhưng Luật Bravolaw khuyên các chủ doanh nghiệp tương lai nên cẩn trọng và xem xét kỹ lưỡng khi điền số vốn điều lệ ban đầu vào bản đăng ký doanh nghiệp.
Khi bạn chọn vốn điều lệ quá thấp, điều đó sẽ làm giảm tiềm lực của công ty. Các đối tác cũng sẽ thiếu tin tưởng mà hợp tác cùng các đơn vị có số vốn điều lệ ít ỏi. Ngân hàng cũng chẳng thiết tha cho vay với những doanh nghiệp thiếu tiềm năng. Từ đó dẫn tới việc khó khăn trong công tác đấu thầu dự án và mở rộng quy mô doanh nghiệp. nếu chọn số vốn điều lệ quá cao thì tình hình cũng chẳng khác là bao. Vốn điều lệ cao cũng sẽ là một gánh nặng rất lớn lên vai chủ doanh nghiệp. Đầu tiên là gánh nặng về thuế. Rủi ro hơn là khi đấu thầu được các dự án lớn, vay được vốn ngân hàng nhưng công ty không đủ tiềm lực để thực hiện các dự án đó. Từ đấy sẽ rơi vào cảnh nợ nần và dẫn tới phá sản.
Doanh nghiệp cũng cần lưu ý thêm, thời hạn để các thành viên, cổ đông công ty góp đủ số vốn đã cam kết góp là 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp kết thúc thời hạn 90 ngày nêu trên, thành viên, cổ đông công ty không góp đủ số vốn đã cam kết góp, công ty bắt buộc phải thực hiện thủ tục giảm vốn điều lệ của mình chính xác với số vốn thực góp của các thành viên, cổ đông.
Vì vậy, một lần nữa nhấn mạnh, để lựa chọn đăng ký mức vốn điều lệ hợp lý, doanh nghiệp cần căn cứ trên yếu tố quy mô sản xuất, đầu tư, kinh doanh của mình và năng lực tài chính của các cổ đông, thành viên công ty. Nếu được, hãy tìm tới các chuyên gia hoặc nhờ những người có kinh nghiệm làm chủ doanh doanh tư vấn chọn vốn điều lệ.