Giải thể công ty trước hết là hoạt động do doanh nghiệp tiến hành với các công việc chính như: thanh lý tài sản và các nghĩa vụ nợ; tiến tới chấm dứt các quyền và nghĩa vụ pháp lý để rút khỏi thị trường, chấm dứt các hoạt động kinh doanh…
Nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các cá nhân liên quan khi doanh nghiệp giải thể doanh nghiệp, pháp luật quy định điều kiện, thủ tục tiến hành giải thể, đảm bảo cho việc doanh nghiệp chấm dứt tồn tại và rút khỏi thị trường sau khi hoàn thành các nghĩa vụ đã tạo lập trong quá trình hoạt động.
Nói tóm lại, giải thể doanh nghiệp là thủ tục để công ty rút khỏi thị trường một cách hợp pháp. Nó là quá trình chấm dứt sự tồn tại của công ty trong điều kiện doanh nghiệp có khả năng thanh toán hoặc đảm bảo thanh toán các nghĩa vụ về tài sản. Cùng theo dõi bài viết sau đây của Luật Bravolaw để nắm chi tiết thủ tục giải thể công ty.
Các trường hợp giải thể doanh nghiệp
1. Giải thể tự nguyện
Giải thể tự nguyện là trường hợp chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp theo ý chí của chủ sở hữu doanh nghiệp. Giải thể tự nguyện diễn ra khi kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn. Hiểu theo nghĩa đơn giản hơn thì là khi chủ sở hữu doanh nghiệp không muốn tiếp tục kinh doanh.
Tuy nhiên, giải thể công ty không phải là cách duy nhất để chủ sở hữu doanh nghiệp dừng các hoạt động kinh doanh và giải phóng khỏi các nghĩa vụ tài sản. Bán doanh nghiệp hoặc chuyển giao các quyền và nghĩa vụ tài sản cho người mua cũng là giải pháp ưu việt có thể được chủ doanh nghiệp lựa chọn nhằm tối đa hoá lợi ích kinh tế.
Do vậy, trong thực tiễn kinh doanh, giải thể doanh nghiệp tự nguyện thường chỉ tiến hành khi việc bán doanh nghiệp không thực hiện thành công.
2. Giải thể bắt buộc
Giải thể bắt buộc là trường hợp chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp theo ý chí của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đó là lúc có sự vi phạm pháp luật của công ty trong quá trình thành lập và hoạt động của doanh nghiệp đó.
Giải thể bắt buộc khi công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu mà không có giải pháp khắc phục trong thời gian luật định hoặc khi doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình thành lập, hoạt động và bị xử lý đình chỉ hoạt động, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, khi công ty có số lượng thành viên giảm dưới mức tối thiểu (giảm dưới 3 thành viên đối với công ty cổ phần, dưới 2 thành viên đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên hoặc dưới 2 thành viên đối với công ty hợp danh), công ty cần phải có chuyển đổi loại hình doanh nghiệp khác có quy định về số lượng khắc phục trong một khoảng thời gian nhất định như kết nạp thêm thành viên mới, thành viên tối thiểu phù hợp hơn (theo quy định của pháp luật doanh nghiệp hiện hành của Việt Nam, thời hạn này là 6 tháng).
Nếu không xử lý được theo những biện pháp trên, công ty thuộc trường hợp phải tiến hành giải thể.
Chế tài thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là chế tài nghiêm khắc đặt ra với các hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng như giả mạo hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp được thành lập bởi những chủ thể bị cấm thành lập công ty, ngừng hoạt động thời gian dài mà không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế…
Có thể nói, chế tài này là một trong những công cụ hiệu quả để hậu kiểm việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp. Sau khi nhận được quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp có nghĩa vụ tiến hành thủ tục giải thể công ty
Điều kiện giải thể doanh nghiệp
Về nguyên tắc, doanh nghiệp chỉ được rút khỏi thị trường khi xử lý ổn thoả các nghĩa vụ nợ của mình trong quá trình thành lập và hoạt động. Do đó, pháp luật luôn coi đây là điều kiện tiên quyết, quan trọng để giải thể một doanh nghiệp. Trường hợp không đáp ứng được điều kiện này, thủ tục phá sản có thể được áp dụng để chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp được giải thể khi đáp ứng các điều kiện sau:
- Doanh nghiệp bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác;
- Doanh nghiệp không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Toà án hoặc Trọng tài.
Trên thực tế, có thể sử dụng những cách thức khác nhau để đáp ứng “đảm bảo thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác” như sau:
- Các khoản nợ đã được thanh toán dứt điểm, thể hiện qua hồ sơ giải thể;
- Một số khoản nợ được tổ chức, cá nhân khác, kể cả tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu doanh nghiệp liên quan, cam kết thanh toán nợ sau khi doanh nghiệp giải thể. Trường hợp này cần lưu ý đến các quy định về chuyển giao nghĩa vụ trong Bộ luật Dân sự và lưu ý về các giấy tờ có liên quan và yêu cầu về hồ sơ giải thể;
Đối với giải thể chi nhánh, doanh nghiệp có chi nhánh giải thể có nghĩa vụ thực hiện trả nợ, vì thực chất các khoản nợ được tạo ra từ hoạt động của chi nhánh là khoản nợ của doanh nghiệp.
Thủ tục giải thể công ty
Thủ tục giải thể công ty được tiến hành tại doanh nghiệp về cơ bản là giống nhau trong cả hai trường hợp giải thể tự nguyện và giải thể bắt buộc, vì rằng, tự nguyện hay bắt buộc chủ yếu chỉ liên quan đến yếu tố tự do ý chí khi quyết định việc giải thể.
Thủ tục giải thể được tiến hành với các bước cơ bản như sau:
Bước 1: Quyết định giải thể công ty
Thông qua quyết định giải thể công ty được tiến hành bởi chủ sở hữu/đồng chủ sở hữu của doanh nghiệp. Đó là chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH một thành viên, hội đồng thành viên đối với Công ty TNHH hai thành viên trở lên, công ty hợp danh và Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần.
Trường hợp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, chủ sở hữu doanh nghiệp buộc phải quyết định giải thể mà không có sự lựa chọn nào khác. Doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục thông qua quyết định giải thể theo thủ tục tương ứng với loại hình doanh nghiệp, đó là triệu tạp họp Hội đồng thành viên Công ty TNHH hai thành viên trở lên, triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông ở công ty cổ phần.
Trên cơ sở biên bản họp thông qua nghị quyết về việc giải thể doanh nghiệp (đối với doanh nghiệp một chủ sở hữu thì không có biên bản họp), người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký Quyết định giải thể doanh nghiệp với các nội dung chủ yếu:
- Tên, địa chỉ trụ sở của doanh nghiệp;
- Lý do giải thể;
- Thời hạn, thủ tục thanh lý hợp đồng và các khoản nợ của doanh nghiệp;
- Thời hạn thanh toán nợ, thanh lý hợp đồng không được vượt quá 6 tháng, kể từ ngày thông qua quyết định giải thể;
- Phương án xử lý các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng lao động và họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Phương án thanh lý tài sản và trả nợ cũng như phương án xử lý các nghĩa vụ phát sinh từ thanh lý hợp đồng cần phải được coi là nội dung quan trọng khi quyết định giải thể doanh nghiệp.
Bước 2: Thực hiện quyết định giải thể
Sau khi quyết định giải thể công ty được thông qua hợp pháp, doanh nghiệp chủ động tổ chức thực hiện nội dung quyết định này. Các công việc chủ yếu được tiến hành để thực hiện quyết định giải thể bao gồm:
- Gửi quyết định giải thể đến cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế, người lao động trong doanh nghiệp;
- Công khai quyết định giải thể, phương án giải quyết nợ bằng cách đăng tải các văn bản này trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và niêm yết tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp. Phương án xử lý nợ phải rõ các thông tin về chủ nợ, khoản nợ, thời hạn và phương thức thanh toán, thời hạn giải quyết khiếu nại của chủ nợ;
- Thực hiện thủ tục thanh lý tài sản và thanh toán nợ theo phương án đã thông báo công khai. Việc thực hiện thanh toán nợ sẽ theo thứ tự ưu tiên nếu như pháp luật có quy định. Ví dụ, Luật doanh nghiệp 2020 quy định: Các khoản nợ của doanh nghiệp được thanh toán theo thứ tự sau:
#1. Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác của người lao động theo thoả ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết;
#2. Nợ thuế;
#3. Các khoản nợ khác.
Sau khi đã thanh toán hết các khoản nợ và chi phí giải thể doanh nghiệp, phần còn lại chia cho chủ doanh nghiệp tư nhân, các thành viên, cổ đông hoặc chủ sở hữu công ty theo tỷ lệ sở hữu phần vốn góp, cổ phần.
Trong giai đoạn này, cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng doanh nghiệp “đang làm thủ tục giải thể” trên Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp
Bước 3: Kết thúc thủ tục giải thể
Thủ tục giải thể kết thúc khi cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý “doanh nghiệp đã giải thể” trên cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Đối với trường hợp giải thể bắt buộc, cần lưu ý rằng, doanh nghiệp bị cập nhật tình trạng “đang làm thủ tục giải thể” ngay khi có Quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Điều này đảm bảo tính chất bắt buộc của việc giải thể.
Bên cạnh đó, cá nhân người quản lý doanh nghiệp có liên quan phải chịu trách nhiệm cá nhân về thiệt hại do việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về giải thể trong trường hợp doanh nghiệp bị bắt buộc giải thể.
Thất bại không có nghĩa là mất hết. Cánh cửa này khép lại cũng là lúc cơ hội khác được mở ra. Đừng nản chí và hãy tiếp tục trau dồi kiến thực cho lần khởi nghiệp tiếp theo nhé!
Trên đây là những thông tin cơ bản nhất về Hồ Sơ Thủ Tục Giải Thể Công Ty, Doanh Nghiệp. Luật Bravolaw luôn sẵn sàng để tư vấn và giải đáp những vướng mắc của quý độc giả về tư vấn thành lập công ty theo số 1900 6296. Xin chân thành cảm ơn!