Khi muốn thành lập doanh nghiệp, một trong những công việc đầu tiên và quan trọng mà các chủ thể kinh doanh phải thực hiện đó là chuẩn bị bộ hồ sơ thành lập doanh nghiệp. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể biết được rằng, chuẩn bị bộ hồ sơ thành lập doanh nghiệp là phải chuẩn bị những thông tin, tài liệu, giấy tờ nào và có những lỗi thường gặp nào. Do đó, hôm nay Luật Bravolaw cung cấp cho Quý độc giả bài viết để chi tiết hóa nội dung về bộ hồ sơ thành lập doanh nghiệp. .
Hồ sơ thành lập doanh nghiệp
Trước tiên, để chuẩn bị hồ sơ thành lập doanh nghiệp cần phải biết trong bộ hồ sơ thành lập doanh nghiệp bao gồm những loại giấy tờ nào. Theo đó, căn cứ quy định tại Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành thì hồ sơ thành lập doanh nghiệp gồm các loại giấy tờ sau:
– Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp theo mẫu của Sở Kế hoạch và Đầu tư quy định tại Phụ lục I theo Thông tư số 02/2019/TT-BKHĐT (tùy thuộc loại hình doanh nghiệp mà mẫu sẽ khác nhau). Trong mẫu đơn này cần phải điền các thông tin chính xác và đúng theo quy định pháp luật về tên doanh nghiệp, tên viết tắt, tên tiếng Anh, địa chỉ trụ sở, vốn điều lệ, người đại diện pháp luật, danh sách thành viên, cổ đông trong công ty;
– Điều lệ công ty (trừ loại hình doanh nghiệp tư nhân thì không cần điều lệ);
– Danh sách thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, danh sách cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty cổ phần. Danh sách người đại diện theo ủy quyền đối với cổ đông nước ngoài là tổ chức;
– Bản sao hợp lệ các giấy tờ sau đây:
+ Một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân theo quy định pháp luật đối với trường hợp người thành lập doanh nghiệp là cá nhân như: chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, hộ chiếu và giấy tờ chứng thực khác có giá trị tương đương;
+ Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác, một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân theo quy định pháp luật của người đại diện theo ủy quyền và văn bản ủy quyền tương ứng đối với trường hợp người thành lập doanh nghiệp là tổ chức;
+ Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập hoặc tham gia thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.
– Văn bản ủy quyền trường hợp không phải đại diện pháp luật đi đăng ký thành lập.
Quy trình thành lập doanh nghiệp
Khi đã chuẩn bị xong bộ hồ sơ thành lập doanh nghiệp như vừa trình bày, bạn cần nộp hồ sơ trực tiếp đến Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp bạn đặt trụ sở. Khi đó, các chuyên viên sẽ xem xét tính hợp lệ của hồ sơ, nếu hồ sơ hợp lệ thì trong vòng từ 1 đến 3 ngày làm việc Phòng đăng ký kinh doanh sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể nộp hồ sơ online thông qua Cổng thông tin về Đăng ký doanh nghiệp https://dangkykinhdoanh.gov.vn để tiết kiệm thời gian và chi phí. Quy trình và các bước thực hiện nộp hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp bạn có thể tham khảo trên website hoặc nhờ các chuyên viên tại Phòng đăng ký kinh doanh hướng dẫn.
Trên đây là nội dung chúng tôi muốn chia sẻ với bạn về bộ hồ sơ thành lập doanh nghiệp. Để được hướng dẫn chi tiết và hỗ trợ thực hiện thủ tục đăng ký hay tư vấn thành lập doanh nghiệp, bạn có thể liên hệ với Luật Bravolaw theo số 1900 6296 để được tư vấn và giải đáp.