1 Giới thiệu mã số mã vạch
– Mã số hay còn gọi là mã số hàng hóa nó là ký hiệu bằng một dãy chữ số nguyên thể hiện như một thẻ để chứng minh hàng hóa về xuất xứ sản xuất, lưu thông của nhà sản xuất trên một quốc gia (vùng) này tới các thị trường trong nước hoặc đến một quốc gia (vùng) khác trên khắp các châu lục. Bởi vậy, mỗi loại hàng hóa sẽ được in vào đó (gắn cho sản phẩm) một dãy số duy nhất. Đây là một sự phân biệt sản phẩm hàng hóa trên từng quốc gia (vùng) khác nhau, tương tự như sự khác biệt về mã số điện thoại. Trong viễn thông người ta cũng quy định mã số, mã vùng khác nhau để liên lạc nhanh, đúng, không bị nhầm lẫn.
– Cấu tạo mã số hàng hóa : Đến nay, trong giao dịch thương mại tồn tại 2 hệ thống cơ bản về mã số hàng hóa là:
+ Một là, hệ thống mã số hàng hóa được sử dụng tại thị trường Hoa Kỳ và Canada. Đó là hệ thống UPC (Universal Product Code), được lưu hành từ thập kỷ 70 của thé kỷ XX cho đến nay.
+ Hai là, hệ thống mã số hàng hóa được sử dụng rộng rãi ở các thị trường còn lại của thế giới, đặc biệt là châu Âu, châu Á,…; trong đó phổ biến là hệ thống EAN (European Article Number). Trong hệ thống mã số hàng hóa EAN có 2 loại ký hiệu con số: Loại EAN-13 và EAN-8.
2.Thông tin mã số mã vạch
– Mã vạch theo định nghĩa là phương pháp lưu trữ và truyền tải thông tin bằng một lọai ký hiệu gọi là ký mã vạch . Ký mã vạch hay gọi tắt cũng là mã vạch, là 1 ký hiệu tổ hợp các khoảng trắng và vạch thẳng để biểu diễn các mẫu tự, ký hiệu và các con số. Sự thay đổi trong độ rộng của vạch và khoảng trắng biểu diễn thông tin số hay chữ số dưới dạng mà máy có thể đọc được.
– Mã số mã vạch được thu nhận bằng một máy quét mã vạch, là một máy thu nhận hình ảnh của mã vạch in trên các bề mặt và chuyển thông tin chứa trong mã vạch đến máy tính hay các thiết bị cần thông tin này. Nó thường có một nguồn sáng kèm theo thấu kính, để hội tụ ánh sáng lên mã vạch, rồi thu ánh sáng phản xạ về một cảm quang chuyển hóa tín hiệu ánh sáng thành tín hiệu điện. Ngoài ra, nhiều máy quét mã vạch còn có thêm mạch điện tử xử lý tín hiệu thu được từ cảm quang để chuyển thành tín hiệu phù hợp cho kết nối với máy tính.
– Mã vạch thì gồm nhiều chủng lọai khác nhau. Tùy theo dung lượng thông tin, dạng thức thông tin được mã hóa cũng như mục đích sử dụng mà người ta chia ra làm rất nhiều lọai, trong đó các dạng thông dụng trên thị trường mà ta thấy gồm UPC, EAN, Code 39, Interleaved 2of 5, Codabar và Code 128. Ngoài ra, trong 1 số loại mã vạch người ta còn phát triển làm nhiều Version khác nhau, có mục đích sử dụng khác nhau, thí dụ UPC có các version là UPC-A, UPC-B, UPC-C, UPC-D và UPC-E; EAN có các version EAN-8, EAN-13, EAN-14, Code 128 gồm Code 128 Auto, Code 128-A, Code 128-B, Code 128-C.
3.Tiện ích khi các doanh nghiệp sử dụng mã số mã vạch
– Trong mỗi quốc gia, các doanh nghiệp, các nhà cung cấp sẽ thuận lợi khi quản lý, phân phối; biết được xuất xứ, nguồn gốc của mỗi loại sản phẩm.
– Trong giao lưu thương mại quốc tế, các nhà sản xuất, các nhà cung cấp tránh được các hiện tượng gian lận thương mại, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng; sản phẩm hàng hóa có thể lưu thông trôi nổi toàn cầu mà vẫn biết được lai lịch của nó cũng như đảm bảo độ chính xác về giá cả và thời gian giao dịch rất nhanh.
– Trong giao dịch mua bán, kiểm soát được tên hàng, mẫu mã, quy cách, giá cả xuất, nhập kho hàng không bị nhầm lẫn và nhanh chóng, thuận tiện.
Ở Việt Nam, Chính phủ đã giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan quản lý nhà nước về EAN-VN. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng là đại diện của EAN-VN và là thành viên chính thức của EAN quốc tế. Việc đăng ký và cấp mã số mã vạch cho các doanh nghiệp để gắn trên các sản phẩm đều do cơ quan Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng quản lý, phân phối cho các tổ chức hợp pháp khác thực hiện hoặc cấp trực tiếp cho doanh nghiệp.
Đối với Việt Nam, đi theo mã vạch là mã số có 3 chữ số 893, Trung Quốc có mã số 690, Singapore có mã số 888, Vương quốc Anh có mã số 50, các quốc gia Bắc Mỹ thì đăng ký mã số (UPC) của Hoa Kỳ. …